Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm các loại hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ dễ trà trộn vào thị trường, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Tăng kiểm tra để phát hiện sai phạm
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 10/2024, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.561 người bị ngộ độc, trong đó có 12 người tử vong.
Thông lệ cứ vào những tháng cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt thì tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.
Hiện nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng vẫn diễn ra, đặc biệt là các loại thực phẩm không an toàn như bim bim, xúc xích, nội tạng động vật…
Các đối tượng thường gian lận bằng cách thay đổi nhãn mác hoặc chỉnh sửa để kéo dài thời hạn sử dụng trên bao bì để tiêu thụ hàng hóa.
Thực phẩm Tết, với đặc trưng là các món ăn truyền thống, đồ chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, giò chả, mứt, trái cây, thịt gia cầm, hải sản… được tiêu thụ mạnh mẽ trong thời gian này.
Đây cũng là thời điểm các hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể gia tăng do nhu cầu lớn và mức độ kiểm soát lỏng lẻo hơn.
Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm, ngăn chặn thực phẩm không an toàn xâm nhập thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục đã tiến hành kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng.
Theo đó, chi cục ghi nhận có 83,7% các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hơn 16% cơ sở có vi phạm. Những cơ sở vi phạm đã được lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó có 84,5% số cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; những trường hợp không đạt tiêu chuẩn đã được cơ quan chức năng nhắc nhở và xử phạt theo quy định.
Ngăn thực phẩm “bẩn” hoành hành
Trong các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm cuối năm qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đồng thời nhắc nhở, xử phạt các cơ sở sản xuất không đáp ứng đủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra vẫn còn gặp một số thách thức lớn, như sự thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm, sự thiếu hụt nhân lực trong các đợt kiểm tra, và một số cơ sở sản xuất vẫn chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, việc phát hiện vi phạm về chất lượng thực phẩm đôi khi gặp khó khăn trong việc xác định rõ ràng các chất gây hại, nhất là với những hóa chất sử dụng trong chế biến thực phẩm có thể dễ dàng bị che giấu.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố, ông Đặng Thanh Phong cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục được tăng cường.
Đặc biệt, TP sẽ tập trung công tác hậu kiểm sau công bố, kiểm tra đột xuất, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định.
Cùng với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, thành phố luôn xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng hàng đầu trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức trong dịp cuối năm.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; hành vi bị cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; mức xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm… Qua đó, nâng cao ý thức cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối trong lĩnh vực thực phẩm cũng như trang bị kiến thức cho người dân để tự bảo vệ mình.
Hà Nội sẽ kiên quyết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm trên thị trường. Tuyệt đối không để các sản phẩm mất an toàn lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động.
Cùng với đó, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.
Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, những tháng cuối năm, lực lượng quản lý thị trường TP sẽ tập trung kiểm tra các “điểm nóng” về gian lận thương mại, đồng thời chú trọng tới việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử.
Đây cũng là một trong những lĩnh vực đang gây ra nhiều lo ngại do tính chất khó kiểm soát và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch trực tuyến.
Nguồn: baodautu.vn