Sáng ngày 21.5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cẩu tỉnh Hải Dương có đồng chí Phạm Hữu Thanh – Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện Sở Nông nghiệp; Sở Công thương; lãnh đạo và cán bộ có liên quan của Chi cục ATVSTP…
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) liên quan đến vi sinh vật, không ghi nhận trường hợp tử vong. Ngay sau khi nhận được thông tin trong các vụ NĐTP, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, đề nghị, hướng dẫn địa phương. Các cơ sở y tế tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên. Đình chỉ ngay cơ sở gây ngộ độc, tổ chức điều tra, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm, xác định rõ nguyên nhân. Truy xuất đến tận cùng nguồn gốc các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức ATTP và biện pháp phòng chống NĐTP.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm…Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm công tác quản lý ATTP trên địa bàn: tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí. Nâng cao năng lực hiệu quả, hiệu lực quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản, đặc biệt với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Kiên quyết không để các cơ sở không có GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp) cung cấp thực phẩm. Tổ chức đánh giá nguy cơ mất ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 10.861 cơ sở thực phẩm trong đó cơ sở sản xuất, chế biến là 2.985, cơ sở kinh doanh thực phẩm là 3.584; kinh doanh dịch vụ ăn uống là 3.753 cơ sở. Từ năm 2022 tới nay, không có vụ ngộ độc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Thu Hương