THỰC PHẨM Ô NHIỄM HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là những hóa chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp hóa học được dùng để phòng và trừ bệnh, sinh vật gây hại cho cây trồng, nông sản. Hiện nay có hơn 1.700[1] hợp chất được bào chế và sử  dụng làm thuốc BVTV, ở Việt Nam tình trạng sử dụng thuốc BVTV tăng lên đáng kể và đáng lo ngại trong những năm gần đây kể cả  khối lượng và chủng loại. Tuy nhiên, không phải tất cả lượng hóa chất BVTV đều đạt mục đích diệt sâu hại, ước tính 90%[2] hóa chất BVTV không đạt được mục đích mà gây nhiễm độc đất, nước, không khí và nông sản. Hầu hết các loại hóa chất đều độc với người tuy nhiên mức độ gây độc mỗi loại khác nhau. Tất cả các bộ phận sinh trưởng của cây trồng đều có khả năng hấp thụ thuốc, nếu trong thời gian thuốc chưa phân hủy hết, người ăn nông sản có thể nhiễm độc. Theo chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc sản lượng thuốc BVTV trên thế giới cứ 10 năm lại tăng gấp đôi, và theo WHO hằng năm có 3 triệu người bị nhiễm độc thuốc BVTV với gần 500.000[3]người chết. Riêng nước ta, hàng năm cũng có tới hàng ngàn người nhiễm độc.

Nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật

Phân loại hóa chất BVTV

Tùy theo mục đích khác nhau, người ta có thể phân thuốc BVTV thành nhiều loại khác nhau:

– Theo mục đích sử dụng:

+ Thuốc  trừ sâu, thuốc diệt cỏ

+ Thuốc diệt nấm, thuốc khử trùng

+ Thuốc diệt vi sinh, thuốc kích thích tăng trưởng…

– Theo nguồn gốc:

+ Thuốc BVTV hóa học: vô  cơ (hỗn hợp Bordeaux và hỗn hợp arsen); hữu cơ (clo hữu cơ, phosphate hữu cơ, Carbamate, Pyrethroid…).

+ Thuốc BVTV sinh học: thuốc vi sinh; thuốc hóa sinh; chất BVTV kết hợp (PIPs)…

– Theo độc tính:

+ Nhóm Ia: cực độc

+ Nhóm Ib: rất độc

+ Nhóm II: độc vừa

+ Nhóm III: độc nhẹ

+ Nhóm IV: loại sản phẩm không gây độc cấp khi sử dụng bình thường.

* Một số loại thuốc BVTV rất độc như: DDT, parathinon, cacbamat, Aldrin, Carbofuran, Chlordane, Dieldrin, Endosulfan, Heptachlor, Trichlorfon…

Tác hại khi ăn phải thực phẩm có chứa tồn dư thuốc BVTV

Ngộ độc thức ăn do nhiễm thuốc BVTV là cực kỳ nguy hiểm, rất dễ dẫn đến tử vong, nếu nhẹ cũng gây tổn thương các cơ quan chức  năng trước hết là hệ tiêu hóa và thần kinh. Ngoài ra độc tính còn tích lũy trong cơ thể gây khả năng đột biến tế bào, gây kích thích tế bào u ác tính phát triển, gây dị dạng thai nhi và là nguyên nhân gây nên các bệnh mãn tính hoặc gây suy gan, rối loạn hệ tuần hoàn…

Ngộ độc do thuốc BVTV có trong thực phẩm rất nguy hiểm

Triệu chứng ngộ độc thuốc BVTV

Ngộ độc thuốc BVTV có các triệu chứng sau: váng đầu, buồn nôn, ỉa chảy, nôn mửa, chảy dãi, mồ hôi ra nhiều, giãn đồng tử, mất tri giác, lạc giọng, run cơ, co giật…Tùy thuộc vào độc tính và hàm lượng thuốc nhiễm vào cơ thể, bệnh tình có thể kéo dài 1-3 giờ đến vài tuần. Người nhiễm nặng có thể hôn mê dẫn tới tử vong.

Tình hình dư lượng thuốc BVTV trong nông sản ở TP.Đà Nẵng qua các năm

Để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn sản phẩm rau, quả không đảm bảo an toàn thực phẩm từ tỉnh nhập vào thành phố Đà Nẵng, hằng năm Ban Quản lý An toàn thực phẩm, vẫn luôn triển khai và thực hiện kế hoạch lấy mẫu giám sát ô nhiễm sản phẩm nông sản tại chợ đầu mối Hoà Cường và các cơ sở kinh doanh, kiểm nghiệm các chỉ tiêu thuốc BVTV. Kết quả xác định dư lượng thuốc BVTV trong 872 mẫu rau, quả tại TP Đà Nẵng từ năm 2018-2021 số mẫu có tồn dư thuốc BVTV vượt mức cho phép (MRLs) chiếm 1,38% (12 mẫu /872 mẫu giám sát không đạt yêu cầu). Các hoạt chất thuốc BVTV thường tìm thấy trong sản phẩm nông sản là: Cypermethrin, Permethrin, Imidachloprid, Carbendazim, Difenoconazole, Acetamiprid…thường được tìm thấy trong các loại rau quả như: cần tây, cà chua, cà rốt, cam, nhãn thái, táo, chôm chôm…nhìn chung tỷ lệ mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép không cao, tuy nhiên sự hiện diện của chúng rất đáng lo ngại cho môi trường và sức khỏe con người, cần phải hướng nông dân sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý nhằm hạn chế những hậu quả không tốt do nó gây ra.

Bảng 1. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm thuốc BVTV trong nông sản tiêu thụ tại thành phố Đà Nẵng do Ban Quản lý An toàn thực phẩm thực hiện năm 2018-2021.

Loại nông sản

2018

2019

2020

2021

Số mẫu Mẫu nhiễm Số mẫu Mẫu nhiễm Số mẫu Mẫu nhiễm Số mẫu Mẫu nhiễm
Rau 169 2 150 2 94 2 42 0
Quả 155 3 150 1 94 0 18 2
Tổng 324 5 300 3 188 2 60 2

Bảng 2: Hướng dẫn một số cách hạn chế thuốc BVTV trong rau quả

Mua rau, quả ở các cơ sở kinh doanh uy tín, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

Hạn chế và không nên sử dụng các loại rau, quả trái mùa; các loại rau, quả có bề mặt bóng mượt, vì đó là các loại rau, quả không an toàn do sử dụng các thuốc BVTV có độ độc cao. Cần rửa sạch cuống quả vì đây là nơi tích trữ vi khuẩn và hóa chất độc hại.

Rửa rau quả đúng cách trước khi ăn

Rửa rau xanh có lá to dưới vòi nước sạch chảy mạnh, rửa từng lá rau, các loại rau lá nhỏ thì rửa trong chậu với nước sạch nhiều lần.

Lưu ý: Các loại nước rửa rau, quả có bán trên thị trường hiện nay, nước muối, dung dịch thuốc tím loãng chỉ loại bỏ được một phần các vi khuẩn gây bệnh và nấm mốc có bám trên bề mặt rau quả mà không thể loại bỏ hoàn toàn các loại thuốc BVTV, kim loại nặng, đạm nitơrat như trong quảng cáo vì theo nguyên lý, các loại thuốc BVTV đã ngấm vào trong tế bào rau quả sẽ tạo nên một liên kết bền vững và không có phương pháp nào loại bỏ được triệt để.

Gọt vỏ trước khi ăn

Quả tươi sau khi rửa dưới vòi nước sạch nhiều lần, nên gọt vỏ hoặc bóc vỏ trước khi ăn.

Làm nóng ở nhiệt độ cao, mở vung khi nấu

Làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, bay hơi 1 phần. Vì đa số thuốc BVTV bay hơi ở nhiệt độ cao.

Mục đích ban đầu của thuốc BVTV là ngăn ngừa, tiêu diệt sâu hại, nhằm bảo vệ mùa màng tuy nhiên nó lại gây hại cho môi trường và sức khỏe con người, ngoài ra còn ảnh hưởng tới giống nòi trong tương lai, chính vì vậy việc sử dụng an toàn thuốc BVTV là hết sức cần thiết, cần có sự chung tay của người sản xuất, trồng trọt (biết phối hợp sử dụng các phương pháp phòng trừ sâu bệnh khác, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi thật cần thiết theo nguyên tắc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách), của cơ quan quản lý (tuyên truyền, giám sát, truy xuất nguồn gốc, và kiểm tra từ khâu trồng trọt tới sản phẩm cuối cùng một cách hiệu quả), của người tiêu dùng (hãy lựa chọn mua nông sản ở những cơ sở kinh doanh uy tín), tin rằng với sự đồng lòng của cả ba bên chúng ta sẽ kiểm soát tốt nhất chất lượng nông sản đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Nguồn: Ban quản lý ATTP Đà Nẵng

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.