Trước tình hình dịch bệnh COVID-19, thói quen mua thực phẩm của người tiêu dùng Việt Nam đã có sự thay đổi, thực phẩm bao gói sẵn trở nên được ưa chuộng, được mua với số lượng lớn và tích trữ để chế biến phục vụ cho các bữa ăn tại gia đình.
Ảnh minh họa
Nhãn thực phẩm theo quy định (Nghị định số 43/2017/ND-CP quy định đối với Nhãn hàng hóa) phải có các nội dung bắt buộc như sau: định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin, cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Vì vậy người tiêu dùng khi mua thực phẩm cần xem nhãn có đầy đủ các nội dung như trên hay không và phải có thông tin nhà sản xuất hay thương nhân chịu trách nhiệm về thực phẩm. Đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi các thông tin bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc và có thông tin của nhà nhập khẩu hay thương nhân chịu trách nhiệm.
Vậy làm thế nào để đánh giá chất lượng của các thực phẩm bao gói sẵn và các giá trị dinh dưỡng của chúng?
Dưới đây là một số hướng dẫn lựa chọn thực phẩm bao gói sẵn dựa trên thông tin trên nhãn thực phẩm, giúp người sử dụng biết cách đọc các thông tin, các chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm, qua đó sẽ giúp việc lựa chọn được thực phẩm phù hợp nhằm xây dựng một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh cho bản thân và gia đình.
Thành phần hoặc thành phần định lượng là bao gồm tất cả các nguyên liệu kể cả phụ gia thực phẩm sử dụng để sản xuất ra thực phẩm và được ghi theo thứ tự từ cao đến thấp về khối lượng và các chất phụ gia thì phải ghi tên nhóm chất phụ gia, tên chất phụ gia hoặc mã số quốc tế INS. Qua nội dung thành phần của thực phẩm chúng ta biết được rằng thực phẩm được cấu tạo từ những nguyện liệu gì và có sử dụng phụ gia thực phẩm hay không. Phụ gia thực phẩm là chất được chủ định đưa vào thực phẩm trong quá trình sản xuất, có hoặc không có giá trị dinh dưỡng, nhằm giữ hoặc cải thiện đặc tính của thực phẩm. Vì vậy chúng ta cần cân nhắc đối với việc sử dụng các sản phẩm có sử dụng nhiều loại phụ gia thực phẩm.
Ngày sản xuất và hạn sử dụng khi mua thực phẩm nên lựa chọn thực phẩm có ngày sản xuất gần với ngày mua hàng và hạn sử dụng còn dài để chủ động thời gian trong việc sử dụng thực phẩm.
Hướng dẫn bảo quản việc bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất giúp duy trì chất lượng thực phẩm, tránh thực phẩm hư hỏng dẫn đến không thể sử dụng hoặc có thể gây ngộ độc thực phẩm khi sử dụng. Vì vậy khi mua hàng phải lưu ý việc bảo quản hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh có đúng với yêu cầu bảo quản hay không, nếu cơ sở không bảo quản đúng yêu cầu thì không nên mua.
Thông tin, cảnh báo bao gồm các thông tin về giá trị dinh dưỡng, sản phẩm đã qua chiếu xạ, sản phẩm đã áp dụng kỹ thuật biến đổi gen, hoặc các thông tin cảnh báo khác như cảnh báo sử dụng đối với người bị dị ứng, người có bệnh, phụ nữ mang thai hoặc khuyến cáo lứa tuổi sử dụng….
Thông tin dinh dưỡng trên nhãn bao gồm các thông tin về giá trị dinh dưỡng như là chất béo, chất đạm, tinh bột, đường, chất xơ, natri, vitamin và các khoáng chất,….Cách đọc thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn sẽ giúp lựa chọn thực phẩm phù hợp đối với trường hợp bị các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, bệnh thận, tim mạch, béo phì…
Nhãn thông tin dinh dưỡng
Khẩu phần (Serving Size) Khẩu phần có ảnh hưởng đến lượng calo và tất cả lượng dinh dưỡng được đưa ra trong phần đầu của nhãn dinh dưỡng. Khẩu phần được chuẩn hóa cùng một đơn vị tính như chén hay ounce (gram hoặc ml) để người dùng dễ dàng so sánh giữa các sản phẩm cùng loại. Khi ăn một khẩu phần quá lớn có nghĩa là bạn đang ăn nhiều calo và có thể khiến bạn tăng cân.
Năng lượng calo (Calories) Calo dùng để thể hiện năng lượng nạp vào từ thức ăn. Dựa trên lượng calo trên nhãn thực phẩm giúp chúng ta biết cần tiêu thụ bao nhiêu lượng thức ăn cho nhu cầu dinh dưỡng của bản thân.
Chất béo (Fat hay Total Fat) Chất béo trên nhãn thực phẩm bao gồm tổng lượng chất béo (Fat/Total Fat), chất béo bão hòa (Salurated Fat) và lượng chất béo chuyển hóa (Trans Fat). Các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên hạn chế ăn các chất béo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa thấp nhất có thể để có chế độ ăn uống cân bằng. Ăn quá nhiều chất béo, chất béo bão hòa, chất béo chuyến hóa, cholesterol, hay natri có thể dẫn đến nguy cơ về các bệnh mãn tính như đau tim, huyết áp cao, béo phì.
Muối (Sodium) cần xem lượng muối có trong thực phẩm, nên sử dụng thực phẩm có lượng muối thấp sẽ tốt hơn cho sức khỏe, đặc biệt cần lưu ý đối với người có tiền sử bệnh cao huyết áp, bệnh thận, loãng xương, phụ nữ mang thai cần ăn nhạt và hạn chế muối trong chế độ ăn (dưới 1.500 mg/ngày).
Chất xơ (Fiber) việc cung cấp trên 20 gram chất xơ 1 ngày cho cơ thể có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Thực phẩm chứa nhiều chất xơ là thực phẩm nếu trong mỗi khẩu phần ăm có chứa ít nhất 5 gram chất xơ.
Đường (Sugar) nguồn bổ sung rất nhiều calo nhưng không tốt cho sức khỏe. Nên đọc hàm lượng đường chứa trong thực phẩm và chọn các loại thực phẩm chứa ít hơn 5 gram đường cho mỗi khẩu phần đối với người bình thường.
Vitamin và khoáng chất là những chất quan trọng của cơ thể, tham gia vào mọi chức năng hoạt động của cơ thể. Dù là yếu tố vi lượng nhưng khi cơ thể có hiện tượng thừa hay thiếu vitamin khoáng chất đều gây những ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhãn sản phẩm giúp người tiêu dùng nắm bắt đầy đủ các thông tin cần thiết để lựa chọn sản phẩm tốt nhất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý là chìa khóa quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe đồng thời tăng sức đề kháng giúp cơ thể phòng chống bệnh, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay. Khẩu phần ăn hằng ngày của chúng ta cần cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa…) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ…). Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm; Selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Nguồn: Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng