Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) luôn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong năm 2021, với sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, công tác đảm bảo ATTP được tiến hành chủ động, tổ chức thực hiện tích cực và đạt được những kết quả nhất định.
Về Công tác thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử ký kịp thời các vi phạm về ATTP. Toàn tỉnh đã thành lập 792 đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành thanh, kiểm tra, hậu kiểm 9.537 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, có 1.656 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 17,36%), trong đó số cơ sở bị xử phạt hành chính là 147 cơ sở với số tiền phạt là hơn 410 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra đã xử phạt bổ sung buộc tiêu hủy 7.030 kg động vật sống và thịt, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Thanh tra Chi cục kiểm tra và tuyên truyền kiến thức ATVSTP cho hộ chế biến thực phẩm cơm hộp phục vụ cho người cách ly Covid-19
Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được triển khai thường xuyên, kịp thời phát hiện, có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ mất ATTP xảy ra trên địa bàn. Đã thực hiện lấy 144 mẫu thực phẩm (gồm nước uống đóng chai, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thịt chế biến sẵn, giò, chả, suất ăn sẵn,…) để xét nghiệm, kết quả số mẫu đạt 127/144 mẫu (88,19%). Sở Y tế thực hiện lấy 31 mẫu bao bì thực phẩm đông lạnh để xét nghiệm đánh giá sự lây nhiễm virus Sars-CoV-2 trên bề mặt bao bì thực phẩm, không phát hiện sự tồn tại của virus. Ngoài ra, các đơn vị đã lấy giám sát 1335 mẫu thực phẩm để xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu hóa học, kết quả có 50/1335mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 3,75%) và 769 mẫu dụng cụ chứa đựng thực phẩm xét nghiệm nhanh tồn dư tinh bột, có 63/769 mẫu không đạt yêu cầu (8,19%). Chi cục ATVSTP và các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động giám sát bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, các cơ sở dịch vụ ăn uống phục vụ cách ly phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo ATTP phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2022.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cũng được tổ chức thường xuyên, triển khai rộng rãi từ tuyến tỉnh đến tuyến xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú đạt hiệu quả cao. Tăng thời lượng truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Website, thường xuyên phát thông điệp đảm bảo ATTP trong các dịp cao điểm: Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân, tháng hành động vì ATTP, Tết trung thu…nhằm tuyên truyền các biện pháp đảm bảo ATTP để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Toàn tỉnh đã thực hiện đăng 38 bài, 67tin, 48 chuyên mục về ATTP Y tế; phát sóng 58tin, phóng sự trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh; 85 tin, bài tuyên truyền về ATTP trên Websize của các đơn vị; phát thanh 1.506 tin, bài với số lần phát là 11.732 lượt trên đài phát thanh của các huyện, thị xã, thành phố. Hoạt động truyền thông trực tiếp cũng được triển khai, đã thực hiện 348 buổi nói chuyện với 17.555 người tham dự; tổ chức tập huấn kiến thức 50 lớp cho đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 1.498 người tham gia…Hoạt động truyền thông gián tiếp qua tờ rơi, áp phích, pano được đẩy mạnh, nâng cao về chất lượng, số lượng tài liệu tuyên truyền, in 420 tranh, áp phích poster ; 11.900 tờ rơi, tuyên truyền các biện pháp về đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid -19…Toàn tỉnh đã tổ chức treo 644 chiếc băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ATTP; tổ chức truyền thông lưu động bằng xe ôtô trên các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Phải thực hiện giãn cách xã hội nên các cơ sở thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống tạm thời đóng cửa. Tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng chống dịch Covid -19 nên việc tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông trực tiếp về ATTP, công tác thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát mối nguy còn hạn chế…Sự phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhu cầu tổ chức bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn hiện là rất lớn, các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ thức ăn đường phố tăng. Các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tình trạng kinh doanh, quảng cáo một số mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật qua mạng xã hội, internet đang diễn biến phức tạp, vì vậy khó kiểm soát, quản lý ATTP.
Để thích ứng linh hoạt với công tác phòng chống dịch Covid-19, ban chỉ đạo ATTP cũng ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo để triển khai tốt công tác đảm bảo ATTP năm 2022. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về ATTP. Hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra và số người tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Hồng Vân