Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, người dân cũng hạn chế trong việc mua sắm hàng hóa theo kiểu truyền thống mà dần chuyển sang xu hướng hiện đại thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Cùng với công nghệ 4.0, chỉ cần sở hữu một cái điện thoại thông minh thì cả thế giới sẽ “nằm gọn” trong tay bạn. Hàng ngàn nhu yếu phẩm và thực phẩm từ tươi sống đến thực phẩm đã qua sơ chế, thực phẩm chín được quảng cáo và xuất hiện nhiều trên các mạng xã hội: facebook, zalo và các trang rao vặt như shopee, tiki, lazada…v.v.
Tiếp thị qua mạng xã hội là gì?
Marketing qua mạng xã hội hay còn gọi là Social media marketing là hình thức thực hiện các hoạt động marketing trên mạng internet thông qua việc sử dụng các kênh mạng xã hội (social media) nhằm mục đích xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ [1]
Theo định nghĩa của tiến sĩ Tracy L. Tulen, trong cuốn sách Social Media Marketing thì việc tiếp thị qua mạng xã hội là điểm giao nhau hoàn hảo giữa nhu cầu của khách hàng và mục tiêu kinh doanh của thương hiệu.
Nguy cơ khi lựa chọn thực phẩm qua mạng xã hội
Chính vì việc kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả của các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong bối cảnh hiện nay nhưng điều này cũng là mối lo ngại cho các cơ quan nhà nước về lĩnh vực an toàn thực phẩm, bởi vì đây là cơ hội để các đối tượng kinh doanh có thể gian lận thương mại, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Thường là các cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội đa số cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, nên kinh doanh không có giấy phép, chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chưa được cấp giấy đăng ký Công bố sản phẩm hay đăng ký xác nhận nội dung Quảng cáo sản phẩm. Chất lượng sản phẩm được người kinh doanh cam kết bằng miệng, khó kiểm chứng và không có cơ sở để khiếu nại.
Thêm vào đó, hiện nay việc quảng cáo đang bị nhiều cơ sở lạm dụng văn từ hoa mỹ dễ dàng đưa người tiêu dùng vào “ma trận” của sự lựa chọn hàng hóa như quảng cáo quá mức, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh, quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, cho bà mẹ có thai và đang cho con bú…nhưng thực tế trong quá trình sử dụng thường chất lượng sản phẩm không như mong đợi giống như quảng cáo, gây thất vọng cho người tiêu dùng, dễ làm lung lay niềm tin vào sản phẩm đang tìm kiếm sử dụng. Một số nội dung quảng cáo, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn như sau:
Cảnh báo những nội dung thường gặp trong quảng cáo thực phẩm
- Quảng cáo không đầy đủ tên sản phẩm hoặc sai tên sản phẩm.
Ví du: sản phẩm “trà ABC” nhưng tên quảng cáo là “trà giảm béo ABC”)
- Nội dung quảng cáo không đúng chất lượng, thành phần công bố.
Ví dụ: sản phẩm “mì TKH” có thành phần công bố chứa hương khoai tây nhưng nội dung quảng cáo sai là “mì làm từ khoai tây hay mì khoai tây TKHi”)
- Sai công dụng, quá công dụng, công dụng như thuốc chữa bệnh.
Ví dụ: sản phẩm “hỗ trợ điều trị cận thị” nhưng nội dung quảng cáo sai là “ngăn ngừa cận thị”)
- Quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, hoặc quảng cáo viết chữ nước ngoài to hơn chữ Việt. (Điều 18, Luật Quảng cáo).
- Quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với cơ sở sản xuất, kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của người khác; sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”.
Ví dụ: sử dụng những từ ngữ: chỉ có sản phẩm của mình là hoàn hảo nhất, tốt nhất, hiện đại nhất …).
- Quảng cáo có hình ảnh quốc kỳ, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam, Quốc huy, Quốc ca hoặc giai điệu Quốc ca.
- Sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của cơ sở, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm …
Ví dụ: được Viện Dinh dưỡng kiểm nghiệm và khuyên dùng …
Ảnh sưu tầm
Với tình hình phổ biến quảng cáo sản phẩm qua mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân như hiện nay, Ban quản lý An toàn thực phẩm chúng tôi thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật như Luật An toàn thực phẩm 2010, Luật quảng cáo 2012 và các văn bản có liên quan đến các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng như người tiêu dùng có nhận thức đúng về việc mua bán hàng hóa qua sàn thương mại điện tử.
Song song với việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng với đa dạng các hình thức khác nhau, Ban QLATTP còn phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận huyện tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm trong đó có nội dung quảng cáo thực phẩm nhằm phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, bán hàng giả, hàng nhá i, hàng nhập lậu, quảng cáo thực phẩm.
Ảnh sưu tầm
Khuyến cáo khi lựa chọn thực phẩm qua mạng
Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe gia đình và xã hội, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng khuyến cáo:
* Đối với cơ sở
Các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm phải thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp chứng nhận.
Chủ cơ sở cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; tránh vì lợi ích riêng hay mục đích lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.
* Đối với người tiêu dùng
Người tiêu dùng cần thận trọng và nâng cao nhận thức trong việc mua sắm thực phẩm qua mạng xã hội:
– Cần tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn những cửa hàng, website uy tín;
– Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng;
– Nơi bày bán có đủ điều kiện bảo quản theo đúng hướng dẫn của sản phẩm;
– Sản phẩm phải đầy đủ nhãn mác theo quy định;
– Sản phẩm nhập khẩu phải có kèm nhãn phụ bằng Tiếng Việt;
– Sản phẩm đã được đăng ký Công bố chất lượng, nội dung quảng cáo phù hợp và đúng sự thật;
– Không nên thanh toán tiền trước khi nhận hàng;
– Được phép kiểm tra chất lượng sản phẩm khi nhận hàng và được đổi trả nếu sản phẩm không đúng với chất lượng quảng cáo.
– Chọn những cơ sở có số hotline, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt để dễ phản ánh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
– Tham khảo các phản hồi về chất lượng sản phẩm của những người đã mua.
– Nên mua với số lượng ít trước để kiểm tra chất lượng trước khi có ý định mua với số lượng nhiều.
Mỗi người dân chúng ta, hãy là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn các sản phẩm thực phẩm qua mạng xã hội; đồng thời hãy chủ động cung cấp những thông tin quảng cáo không đúng sự thật, gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng, xuất xứ, hàng thực phẩm giả, hàng kém chất lượng…và có trách nhiệm khai báo, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ sức khỏe của gia đình, cộng đồng và có lối sống lành mạnh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh!
Nguồn: Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng