Tết Trung thu đang đến gần, tuy nhiên, năm nay lại là một năm đặc biệt đối với người dân cả nước vì tất cả đang cùng chung tay chống lại đại dịch thế kỷ COVID-19. Song, người dân và các bé thiếu nhi vẫn mong có được các sản phẩm bánh trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để làm ra chiếc bánh trung thu cần rất nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, từ các loại bột, thịt tươi sống và các sản phẩm từ thịt, các loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc), các loại bao gói bánh.
Mỗi loại nguyên liệu đều có nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng..), ô nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh cấm, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, những hóa chất độc hại do sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu…). Rồi điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản bánh, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng các “tác nhân” gây ô nhiễm bánh. Hậu quả cuối cùng của việc không bảo đảm an toàn thực phẩm của một công đoạn hay nhiều công đoạn làm bánh là làm cho bánh bị ô nhiễm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cấp tính, mạn tính, bệnh truyền qua thực phẩm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Để thực phẩm an toàn đến tận tay người dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Thực hiện tốt các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm.
+ Thực hiện tốt quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, về sử dụng phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, tự công bố sản phẩm, bảo quản bánh trung thu nơi khô ráo, thoáng mát, tránh để tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, không để gần hàng hóa có mùi mạnh; tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế như: thực hiện nghiêm “quy định 5K”, trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở và bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc.
Gian hàng bánh trung thu mùa COVID (nguồn – Báo Sài gòn giải phóng)
Đối với người tiêu dùng các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm để mọi người cùng đón một cái Tết Trung thu an lành và đầm ấm thì nên lưu ý:
+ Thứ nhất: Nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không ham rẻ mà mua những sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ.
+ Thứ hai: Nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra kỹ nhãn mác, ngày sản xuất và hạn sử dụng; không sử dụng bánh đã mốc, hỏng.
+ Thứ ba: Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, theo đúng quy định ghi trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
+ Thứ tư: Rửa tay sạch trước khi cắt, trước khi ăn bánh. Dụng cụ cắt bánh phải sạch sẽ. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nên nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chữa trị kịp thời và giữ lại mẫu thức ăn nếu đang còn lại.
Do vậy, để bảo đảm an toàn đối với dịch bệnh và an toàn thực phẩm trong mùa trung thu, con người là nhân tố quan trọng có tính quyết định. Mỗi người hãy sống có trách nhiệm với bản thân mình và với cộng đồng thì chắc chắn chúng ta và các bé thiếu nhi sẽ có một mùa trung thu an lành.
Nguồn: Ban An toàn thực phẩm TPHCM