Bánh trung thu – Nỗi lo về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm

Tết Trung thu, hay còn gọi là Tết Đoàn Viên, là dịp để mọi người đoàn tụ, sum vầy bên người thân, bày tỏ và thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là đến tết Trung thu, một cái tết rất đặc biệt thời Covid-19. Nhưng dù đặc biệt như thế nào, thì bánh trung thu vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cái tết đoàn viên ấm cúng của mỗi gia đình.

Bánh trung thu – hương vị của tình thân

Trước kia, bánh trung thu sản xuất với số lượng ít, phục vụ chủ yếu là trẻ em (Tết Trung thu – ngày Tết của thiếu nhi). Ngày nay, nhiều dòng sản phẩm, chủng loại bánh trung thu phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng: bánh truyền thống, bánh sử dụng cho đối tượng đặc biệt (như người tiểu đường, thừa cân/ béo phì, tăng huyết áp)….

Bánh trung thu đa dạng về mẫu mã

  Về góc độ dinh dưỡng: Bánh Trung thu rất ngọt và béo, do vậy nó cung cấp nhiều năng lượng từ đường và chất béo. Như trong 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh khoảng 176g cung cấp 648 Kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò)….. Lượng bột đường có trong 1 chiếc bánh dẻo/1 bánh nướng bằng 2 – 3 bát cơm (1 bát cơm 258 g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh. Ngoài ra, lượng chất béo trong 1 chiếc bánh trung thu bằng 1 – 2 lần lượng chất béo trong 1 bát phở bò/ phở gà. Chất đạm trong bánh nướng khá cao, thường là đạm động vật, nếu bảo quản không tốt chúng dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc. Các vitamin trong bánh không nhiều, đồng thời khi chế biến và bảo quản cũng đã hao hụt đáng kể.Do vậy, nếu ăn quá nhiều, trẻ thừa cân/ béo phì hoặc trẻ rối loạn dung nạp glucose có thể gây ra tiểu đường. Với trẻ biếng ăn, khi ăn 1 miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm trẻ mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính và càng làm trẻ chán ăn, gây nên suy dinh dưỡng.Với người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng nên lựa chọn các sản phẩm dùng cho người ăn kiêng ít đường và ít chất béo, mặc dù vậy vẫn phải ăn rất hạn chế để kiểm soát bệnh.

Về góc độ an toàn thực phẩm của bánh trung thu: Bánh trung thu là một sản phẩm có đa dạng các loại thực phẩm, loại gia vị, phụ gia thực phẩm (chất tạo mầu, chất bảo quản, chất chống mốc),…Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm: thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh (nấm mốc, tụ cầu, tả, lỵ,…), nhiễm hóa chất độc hại (chất tăng trọng, kháng sinh, chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, chất tạo mầu cấm sử dụng,…). Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh: từ sơ chế nguyên liệu, nơi chế biến, dụng cụ chế biến, cũng như vệ sinh cá nhân và sức khỏe của người chế biến sẽ tạo ra sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu với tình hình dịch bệnh Covid -19 như hiện nay tại Thành phố Hồ Chí Minh thì chúng ta cần tuân thủ:

– Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong sản xuất thực phẩm…

– Đối với người tiêu dùng chỉ lựa chọn và sử dụng những sản phẩm:

  • Có nguồn gốc rõ ràng: Có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu…
  • Nơi bày bán: đảm bảo vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy, tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
  • Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.
  • Nguồn: Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.