Bảo đảm an toàn thực phẩm trong điều kiện nắng nóng và bão, lũ năm 2021

Hiện nay, khu vực Bắc Bộ đang trong tháng cao điểm nắng nóng gay gắt và nắng nóng còn tiếp tục xảy ra từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8/2021, cùng với đó theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia từ nay đến hết năm 2021 có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4 – 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong điều kiện nắng nóng và bão lũ nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid -19 đang diễn ra rất phức tạp. Chi cục An toàn thực phẩm đề nghị Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện/TP/TX triển khai một số nội dung sau:

  1. Triển khai các hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm trong phòng chống dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố theo Công văn số 965/ATTP-NĐTT của Cục An toàn thực phẩm ngày 23/4/2020.
  2. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, các cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện…Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
  3. Triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè:

Tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất an toàn thực phẩm, tập trung vào một số nội dung sau:

– Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.

– Tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín.

– Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật như nấm độc, côn trùng lạ, độc (nếu sử dụng côn trùng thông thường phải chế biến, sơ chế bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi ăn), ốc lạ, quả lạ…

– Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp …Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

4.Triển khai các hoạt động dự phòng và bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi xảy ra mưa lũ:

a) Trước khi xảy ra bão, lũ:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hóa chất sát khuẩn của ngành y tế.

b) Trong khi bão, lũ xảy ra:

–  Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

– Thực hiện ăn chín, uống chín. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

c) Sau khi bão, lũ rút:

– Chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.

– Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

– Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.

CHI CỤC ATVSTP HẢI DƯƠNG

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.