- Giữ vệ sinh
Như trên đã nói, sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, ký sinh trùng, viruts, nấm mốc) có ở khắp nơi. Giữ vệ sinh là để ngăn sự lây nhiễm.
– Rửa tay: tay là vật cầm, sờ mọi thứ nên cũng là vật mang mầm bệnh và chuyển mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Phải rửa tay luôn luôn, nhất là sau khi đi vệ sinh xong, sau khi cầm, nắm, sờ vào đồ vật bẩn, trước khi làm bếp, sau khi sử dụng hóa chất, trước khi ăn. Muốn rửa tay sạch phải rửa tay bằng xà phòng, rửa tay dưới dòng nước chảy, phải tráng kỹ và lau khô tay bằng khăn sạch.
Thực hiện rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh xong, sau khi cầm, nắm, sờ vào đồ vật bẩn, trước khi làm bếp, sau khi sử dụng hóa chất, trước khi ăn
– Giữ người sạch: Người có thể mang mầm bệnh trong người (ruột), mồm, mũi, vết thương…và truyền các mầm bệnh sang thực phẩm mặc dù mình không có biểu hiện mắc bệnh. Người đang mắc bệnh không nên chế biến thực phẩm. Người làm nghề chế biến thực phẩm (nấu cơm hàng, quán) phải ăn mặc sạch sẽ, không được ho, hắt hơi vào thực phẩm, phải đeo khẩu trang, phải rửa tay kỹ và lau khô tay bằng khăn khô và sạch trước khi chế biến thức ăn.
– Giữ nhà, bếp và giữ dụng cụ sạch: Phải giữ gìn các dụng cụ làm bếp và nấu ăn (dao, thớt, xoong, nồi, chạn, mâm, bát đũa…) sạch, khô. Nhà bếp phải sạch, không bụi bặm, không ẩm mốc, các dụng cụ phải được sắp xếp gọn gàng. Bàn ăn, thớt phải nhẵn sạch và khô. Không dùng chung dụng cụ cho thực phẩm sống và thực phẩm chín. Sau khi dùng để chế biến thực phẩm tươi sống phải rửa kỹ ngay dụng cụ bằng nước sôi, lau khô rồi mới dùng thái, cắt thực phẩm chín. Không cho súc vật vào nhà bếp, súc vật truyền bệnh sang người qua phân, lông, da…Chạn, tủ phải kín để ngăn ruồi, bọ, gián, chuột, mèo, chó, chim cảnh. Không để nước ứ đọng trong nhà bếp, không để sọt rác trong nhà bếp, sọt rác phải có nắp đậy.
2. Để riêng thực phẩm sống và chín, cũ và mới
Các thực phẩm sống (các loại rau- quả, thịt, hải sản) đều chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút. Để chung thực phẩm sống với thực phẩm chín thì các mầm bệnh sẽ từ thực phẩm sống nhiễm sang thực phẩm chín. Rau thơm để ăn sống không được để lẫn với thịt sống. Thực phẩm sống và thực phẩm chín phải được để trong đồ đựng (bát, đĩa, liễn…) riêng. Không dùng khăn lau chung để lau dụng cụ cho thực phẩm tươi và thực phẩm chín.
3. Nấu và chế biến đúng cách
Nấu có tác dụng làm thức ăn dễ tiêu hóa đồng thời làm các mầm bệnh có trong thức ăn bị chết hoặc yếu đi, bị giảm đến mức không còn đủ để gây bệnh. Nấu cũng có tác dụng làm tăng mùi vị của thức ăn và kéo dài thời gian bảo quản thức ăn.
Có nhiều cách nấu: Dùng nhiệt (luộc, hấp, nướng, quay, rán…) hoặc không dùng nhiệt (lên men, muối, hun khói, sấy, ngâm giấm…). Phải nấu kỹ các loại thịt gia súc (bò, lợn…), gia cầm (gà, vịt…), trứng và hải sản. Các đồ ăn lỏng (canh, xúp, đồ hầm) phải đun sôi và để sôi 1-2 phút. Các thức ăn còn lại cũng phải được đun kỹ lại trước khi dùng.
Sử dụng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong cuộc sống thường ngày
4. Bảo quản ở nhiệt độ an toàn
Nhiệt độ an toàn để bảo quản thực phẩm là nhiệt độ mà sinh vật không phát triển tới mức gây ngộ độc thực phẩm. Nhiệt độ nóng trên 60 độ và thấp hơn 5 độ là nhiệt độ an toàn. Nhiệt độ càng thấp thì bảo quản càng được lâu.
Thức ăn nấu chín có thể giữ được lâu hơn thức ăn sống. Trong thức ăn đã được nấu chín vẫn có thể còn có mầm bệnh vì mới bị nhiễm vào, còn một số vi khuẩn chưa chết. Để thức ăn một thời gian ở nhiệt độ bình thường (trên 4 giờ) thì các mầm bệnh này lại phát triển trở lại và gây bệnh. Cần bảo quản thức ăn đã nấu chín ở nơi lạnh.
Nếu không có tủ lạnh thì nên dùng thức ăn đến đâu mua đến đó và sử dụng ngay. Có thể dùng đá băng, tủ đá để bảo quản. rau, củ, quả, các loại thịt, cá đều có thể bảo quản trong tủ lạnh. Không nên để quá nhiều thứ chồng chất trong tủ lạnh và để riêng thực phẩm chín và thực phẩm sống. Không nên để thức ăn quá lâu trong tủ lạnh vì lạnh chỉ ngăn cản vi khuẩn phát triển chứ không diệt được vi khuẩn. Phải rửa thực phẩm, rau quả bằng nước sạch trước khi cho vào tủ lạnh.
5.Sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn
- Nước sạch:
Nước sạch là nước không chứa các sinh vật gây bệnh. Nước không bị ô nhiễm là nước không bị nhiễm nước thải, hóa chất, phân động vật và các yếu tố gây ngộ độc thực phẩm. Nước mưa đựng trong chum vại kín là nước dùng được. Nếu dùng nước giếng thì phải xét nghiệm nước và xử lý nước trước nếu cần. Không nên dùng nước hồ, ao, sông ngòi.
- Nguyên liệu an toàn:
Nguyên liệu an toàn là các thực phẩm không chứa các yếu tố gây độc. Khi chọn mua thực phẩm cần chọn thực phẩm tươi, mua từ nguồn tin cậy (cửa hàng hay người bán hàng mình biết). Không mua thực phẩm hỏng, mốc.
Khi mua thực phẩm đóng sẵn phải chọn hàng còn nguyên bao bì, không bị thủng rách, nhãn in rõ ràng, còn hạn sử dụng. Hộp kim loại đựng thực phẩm không được sét gỉ, phồng, méo mó.
CHI CỤC AN TOÀN THƯC PHẨM HẢI DƯƠNG